Việt Nam trở thành đối tác toàn diện của Argentina từ năm 2010 nhưng chưa phát huy được thế mạnh nông nghiệp của mình. Thậm chí, nếu so sánh lĩnh vực này của hai nước, Việt Nam có phần lép vế khi 85% giá trị thương mại giữa hai bên đến từ xuất khẩu từ Argentina sang Việt Nam.

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Argentina 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thương mại song phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, chúng ta mới có bốn dự án đầu tư từ Argentina vào Việt Nam và hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước vẫn còn khá rời rạc.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của mình, đặc biệt là trên các thị trường khó tính, Việt Nam cần có những bước thay đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất và đầu tư cho khoa học nông nghiệp mà kinh nghiệm của Argentina có thể là những gợi ý đáng học hỏi.

Bước chuyển đổi tư duy của nông nghiệp Argentina

Cách đây vài chục năm, tình trạng xói mòn đất ở Argentina lan rộng và nghiêm trọng đến mức đe dọa khả năng tồn tại của toàn bộ ngành nông nghiệp. Lí do nằm ở quan điểm canh tác cần phải cày xới là nguyên nhân gây ra xói mòn, đặc biệt ở các vùng có mưa nhiều.

Argentina đã chuyển sang biện pháp “Không cày” (No Till). Nguyên tắc của biện pháp này là chỉ cày xới duy nhất một lần trước vụ mùa đầu tiên, còn về sau chỉ dùng máy tạo các rãnh nhỏ để gieo hạt, tất cả mặt đất hầu như nguyên vẹn đến khi thu hoạch. Các cánh đồng được giữ nguyên thực vật phủ như thân cây, rơm rạ và quay vòng các giống cây trồng theo vụ mùa. Phương pháp này hữu ích trong việc quản trị nước, giúp tăng đa dạng sinh vật trong và trên đất (bao gồm cả các sinh vật gây bệnh), cải thiện độ phì và giảm xói mòn đất.

Mặc dù phương pháp “Không cày” có những ưu việt so với cách thức cày xới truyền thống nhưng chỉ có rất ít quốc gia ứng dụng thành công. Lí do nằm ở việc thay đổi tư duy: “Không cày không phải là một thói quen canh tác mà là một khái niệm tư duy. Nếu không tin vào điều đó, chúng ta sẽ thất bại”. – Rick Bieber, một chủ trang trại ở South Dakota (Mỹ) cho biết.

Những người làm nông nghiệp ở Argentina có tư duy dám thay đổi, chính những người nông dân đã khởi xướng phương pháp “không cày” này. Trong những năm 1960, họ đã tập hợp nhau lại, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức nghiên cứu và trường đại học để xem xét cách tiếp cận này, lúc đó mới chỉ đang thử nghiệm tại Mỹ. Đến nay, hơn 90% đất nông nghiệp ở Argentina đã ứng dụng phương pháp này. Nhiều quản lý trang trại cho biết họ đã không phải cày xới đất một lần nào trong suốt 15-20 năm qua.

Trồng đậu tương tại Argentina. Nguồn: Genetic Literacy Project
Trồng đậu tương tại Argentina. Nguồn: Genetic Literacy Project

Hiện nay sản lượng nông nghiệp của Argentina đã đạt gấp 10 lần mức đủ cung cho toàn bộ 45 triệu dân nội địa. Họ liên tục nằm trong top dẫn đầu thế giới về xuất khẩu một số mặt hàng từ nông sản thô đậu tương, ngô, hướng dương, lúa mỳ đến những sản phẩm đã chế biến như nước cam, rượu vang. Argentina còn chia sẻ kinh nghiệm “Không cày” của mình cho 26 quốc gia ở châu Phi, chứng minh rằng, không cần hệ thống tưới tiêu cũng có thể làm nông nghiệp hiệu quả.

Với Việt Nam, canh tác truyền thống cũng là một ý tưởng thống trị nền nông nghiệp từ hàng nghìn năm. Tuy nhiên gần đây, do sự thay đổi về công nghệ và biến đổi khí hậu, chúng ta đã cởi mở hơn trong việc áp dụng một số phương thức nông nghiệp mới. Bởi vậy Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi phương pháp “Không cày” để thí điểm trên những vùng trồng trọt đủ rộng theo quy mô công nghiệp. Sẽ cần nhiều cân nhắc cũng như sự vào cuộc của các nhà khoa học Việt Nam nếu ngành nông nghiệp Việt Nam lựa chọn phổ biến phương pháp này, nhưng chúng ta có thể thấy rõ ràng phần nào lợi ích của chúng.

Động lực từ công nghệ sinh học và các thiết bị kỹ thuật số

Công nghệ sinh học cũng là một trong những “phép màu” đằng sau sự tăng trưởng mạnh mẽ của nông nghiệp Argentina. Được ứng dụng từ năm 1996 với các hạt đậu nành chịu được thuốc diệt cỏ glyphspate, giờ đây những sản phẩm biến đổi gene GMO của Argentina (chủ yếu là đậu nành, ngô và bông) đã trải dài khắp các lục địa. Argentina hiện chiếm hơn 14% tổng sản lượng cây trồng công nghệ sinh học toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ và Brazil.
Theo báo cáo của Woodrow Wilson Centre năm 2017, chi phí R&D cho công nghệ sinh học của quốc gia này đã vượt quá 80 triệu USD, đứng thứ 18 trên thế giới và tương đương với nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế trung bình có GDP đầu người cao hơn. Argentina có hơn 200 công ty công nghệ sinh học với tổng doanh thu trên 2 tỷ USD, trong đó có những tên tuổi có lợi thế vượt trội trong ngành công nghệ sinh học thế giới như Nidera, Bioceres hay Biocientífica.

Báo cáo World Bank chỉ ra rằng Argentina cũng là quốc gia có số lượng nhà nghiên cứu trên tổng số nông dân (4.22 / 1000 người, năm 2012) thuộc nhóm cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh. Công nghệ sinh học cũng là lĩnh vực thế mạnh mà Argentina đã ngỏ ý hợp tác với Việt Nam từ vài năm nay, mặc dù hợp tác hai nước trên lĩnh vực này chưa có nhiều khởi sắc.

“Chất lượng nguồn nhân lực cao là một yếu tố cơ bản khác thúc đẩy hiệu quả của nông nghiệp Argentina. Nhiều nông dân ở các trang trại lớn có bằng cử nhân nông học, và những người không có bằng cấp thì vẫn học được bí quyết (know-how) từ các chuyên gia.” Giám đốc của OPENAGRO S.A, một công ty công nghệ sinh học ở Argentina nhận xét.

Người nông dân Argentina tại đây ngày càng có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều các công cụ chính xác như cảm biến viễn thám, giám sát năng suất, GPS, hình ảnh vệ tinh và hệ thống hướng dẫn để đạt hiệu quả cao hơn. Reuters đưa tin vào tháng 9/2018, sau 10 năm nghiên cứu, Argentina đã phóng một vệ tinh hình ảnh vi sóng mới mang tên SAOCOM 1A để theo dõi thảm họa thiên nhiên, độ ẩm đất và lập bản đồ mạch nước không phụ thuộc vào thời tiết hoặc thời gian trong ngày. Đây là một trong những nỗ lực dài hạn để củng cố ngành nông nghiệp quốc gia. Raul Kulichevsky, Giám đốc điều hành kĩ thuật của Ủy ban các hoạt động vũ trụ quốc gia Argentina (CONAE) cho biết, họ hi vọng các thông tin thu về sẽ mang lại lợi nhuận từ 5-7 USD cho mỗi USD đầu tư.

Nông nghiệp của Argentina không phải không có mặt trái, đặc biệt là tập trung phát triển quá nhanh vụ mùa đậu tương để xuất khẩu. Argentina đã biến mình từ “giỏ bánh mì” của thế giới (chuyên xuất khẩu lúa mì) thành nhà sản xuất thức ăn gia súc cho châu Âu và Trung Quốc. Từ năm 1990 đến nay, lượng hóa chất nông nghiệp của nước này sử dụng đã tăng gấp 9 lần từ 34 lên 317 triệu lít và sẽ tăng nữa do cỏ dại và sâu bệnh kháng thuốc liên tục. Hơn nữa, không phải ai cũng dám lên tiếng về vấn đề này vì lợi ích kinh tế quá lớn của đậu tương với Argentina: “Bất cứ khi nào có vấn đề môi trường nghiêm trọng, anh không thể tìm được một chuyên gia nào sẵn sàng chống lại sự vận động hùng mạnh của đậu nành.” – Luis Castellán, nhà nông học nổi tiếng Argentina cho biết.